Giờ học môn Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục của cô, trò Trường Tiểu học xã Thân Thuộc. |
Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Bùi Thị Lan - Phó trưởng Phòng
GD&ĐT huyện Tân Uyên cho biết: Nâng cao khả năng học tiếng Việt cho học
sinh dân tộc thiểu số được Phòng xác định là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần quyết
định chất lượng giáo dục cấp tiểu học. Năm 2010, khi Chương trình đảm bảo chất
lượng giáo dục trường học (SEQAP) được triển khai, huyện có thêm điều kiện nhân
rộng mô hình dạy học cả ngày ra tất cả các trường tiểu học trên địa bàn. Đặc
biệt, đối với 6 trường tham gia Chương trình, các em được chăm sóc, nuôi dưỡng,
rèn kỹ năng sống, giao tiếp, học tập, nhất là học sinh dân tộc thiểu số (lớp 1,
2).
Tăng cường kỹ năng giao tiếp
tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, các nhà trường có thuận lợi là đội
ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đều đạt trình độ chuẩn trở lên; cơ sở vật chất
đáp ứng nhu cầu dạy và học; đa số học sinh khi vào lớp 1 đã học lớp mẫu giáo 5
tuổi nên thuận lợi cho học tiếng Việt… Vậy nên, ngay khi triển khai thực hiện
SEQAP, Phòng GD&ĐT huyện đã tiến hành kiểm tra, đánh giá việc tổ chức thực
hiện dạy học tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số; xây dựng kế
hoạch, tổ chức tập huấn, hội thảo cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường.
Ban Giám hiệu các trường thực
hiện SEQAP chủ động xây dựng kế hoạch, tuyên truyền, tham mưu với cấp ủy, chính
quyền và ban chỉ đạo phổ cập xã, thị trấn nắm rõ từng nội dung, tiêu chí thực
hiện. Xây dựng, triển khai kế hoạch dạy học phù hợp với từng trường; hệ thống
bài tập bổ trợ môn tiếng Việt cho từng khối lớp. Tổ chức dạy tăng thời lượng,
dạy học Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số theo
hướng điều chỉnh kế hoạch dạy học môn tiếng Việt; thực hiện tăng cường tiếng
Việt thông qua các môn học cho học sinh dân tộc thiểu số lớp 1, 2, 3 theo
SEQAP. Đối với công tác sinh hoạt chuyên môn, duy trì bồi dưỡng và tự bồi dưỡng
của giáo viên. Động viên, tạo điều kiện cho giáo viên tự học, nâng cao chuyên
môn nghiệp vụ.
Các tổ chức đoàn thể trong
trường làm tốt công tác xây dựng kế hoạch, phối hợp với cán bộ quản lý trong tổ
chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp phù hợp với nhà trường. Tổ chức
tốt các buổi sinh hoạt Đội - Sao Nhi đồng để học sinh được tham gia vào các
hoạt động tập thể, nâng cao kỹ năng giao tiếp tiếng Việt. Triển khai tổ chức mô
hình “Điểm trường chuẩn”, phối hợp với phụ huynh từng điểm trường tổ chức các
hoạt động trải nghiệm, rèn kỹ năng giao tiếp tiếng Việt cho học sinh theo chủ
điểm.
Đội ngũ giáo viên tổ chức các
hình thức dạy học phù hợp đối tượng vùng miền; tổ chức nhóm học sinh, dạy theo
nhóm đặc thù, lập nhóm cho các em nói chuyện trao đổi, sinh hoạt nhóm. Luyện
nói thông qua phần trả lời các câu hỏi của bài Tiếng Việt hoặc kể chuyện; sử
dụng giáo cụ trực quan, sinh động, gần gũi với đời sống của các em. Ứng dụng
công nghệ thông tin trong dạy học, kết hợp tiếng dân tộc thiểu số và tiếng Việt
giúp học sinh hiểu tiếng Việt hơn. Tăng thời gian quản lý ở trường để giám sát
hoạt động học tập của học sinh. Tổ chức các hoạt động ngoại khóa với mục đích
tạo môi trường thân thiện, khích lệ các em giao lưu và thực hành tiếng Việt,
chú trọng giáo dục song ngữ cho học sinh. Hằng năm, tổ chức linh hoạt các hoạt
động giao lưu tiếng Việt, vở sạch, chữ đẹp; tổ chức tốt các góc thư viện thân
thiện tại các lớp.
Theo cô giáo Đoàn Thị An -
giáo viên Trường Tiểu học xã Thân Thuộc, đối với học sinh dân tộc thiểu số,
tiếng Việt không phải là ngôn ngữ duy nhất để các em tiếp thu kiến thức và nhận
biết thế giới xung quanh, các em đến trường với một ngôn ngữ hoàn toàn khác
ngôn ngữ thường sử dụng là tiếng mẹ đẻ, nên ảnh hưởng nhiều đến quá trình học
tiếng Việt của trẻ. Chính vì vậy, các em phải thường xuyên được rèn bốn kỹ
năng: nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt. Tuy nhiên, hạn chế lớn là các em thường
phát âm sai, đọc lệch chuẩn tiếng Việt. Để tăng cường kỹ năng tiếng Việt cho
học sinh dân tộc thiểu số, chúng tôi tích cực rèn kỹ năng phát âm. Việc sửa lỗi
phát âm cho các em được chú trọng và thực hiện mọi lúc, mọi nơi, trong tất cả
các môn học, hoạt động ngoại khóa. Cùng với đó kết hợp dạy nói và dạy nghe. Quá
trình luyện nói cho học sinh cần kết hợp luyện nghe, nhất là kỹ năng nghe hiểu,
nghe hiểu câu mệnh lệnh để làm theo, nghe hiểu để trả lời câu hỏi, nghe hiểu
hướng dẫn để tham gia trò chơi, tham gia tình huống giao tiếp.
Qua thống kê, từ năm học 2010
- 2011 đến năm học 2015 - 2016, toàn huyện có tổng số 2.194 học sinh dân tộc
thiểu số lớp 1 và 2.140 học sinh dân tộc thiểu số lớp 2 được tăng cường kỹ năng
giao tiếp tiếng Việt. Qua áp dụng các giải pháp trên, chất lượng môn học Tiếng
Việt của học sinh nâng lên rõ rệt. 100% học sinh có chất lượng đạt yêu cầu trở
lên; khả năng giao tiếp tiếng Việt mạnh dạn, tự tin hơn…
Cô nói trò hiểu, cô dạy trò
tiếp thu dễ dàng kiến thức, đó chính là lí do chất lượng giáo dục của huyện Tân
Uyên tăng lên hàng năm. Và, quan trong hơn hết là học sinh dân tộc thiểu số từ
lớp 1 lên lớp 2 cơ bản đáp ứng khả năng giao tiếp, vui chơi và học tập.
Tác giả: Văn An - Nguồn bài viết lấy từ http://baolaichau.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
truongtieuhocthanthuoctanuyen@gmail.com